Quản trị NH – KS chiếm phần nhiều so quản trị lữ hành

Atks.vn - “Sinh viên Du lịch dường như năng động hơn, chịu khó hoạt động hơn và cũng rất tích cực tham gia vào bài giảng của các thầy cô trên lớp. Và sinh viên đi làm thêm nhiều hơn so với các khối ngành khác, phần nào ảnh hưởng đến công việc học tập của các em,” Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Văn Lang, nhận xét trên Cẩm Nang ATKS.

ATKS: Thưa cô, cơ duyên nào đưa cô đến với nghề dạy học và vì sao cô lại chọn hoạt động trong ngành Du lịch? Cô đã trải qua những khoảng thời gian làm việc ở những đơn vị nào khác trước khi đến với công việc hiện tại không? Và những kinh nghiệm đó giúp ích cho cô trong việc giảng dạy như thế nào?

Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan: Tôi bắt đầu hoạt động trong công tác Giáo dục – Đào tạo từ năm 1990. Thoạt đầu tôi không nghĩ mình sẽ đi theo con đường dạy học vì trước đó tôi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và công việc bấy giờ của tôi là Quản lý doanh nghiệp. Trong thời gian đó tôi cũng đã tiếp xúc và làm việc với nhiều doanh nhân và công tác quốc tế thường xuyên với mảng công việc là Du lịch doanh nhân nên có thể nói chính điều đó cũng giúp ích rất nhiều cho tôi sau này trong hoạt động du lịch cũng như đào tạo.

ATKS: Xin cô giới thiệu đôi nét về các ngành đào tạo của khoa và chương trình đào tạo ra sao?

TS: Khoa Du lịch của trường ĐH Văn Lang trước đây được phân thành 2 chuyên ngành: Quản trị nhà hàng - khách sạn và Hướng dẫn Du lịch. Tuy nhiên đến năm 2007 thì thay đổi theo nhu cầu thị trường, theo hướng hòa nhập với các nước và được phân thành 2 ngành trong đó chuyên ngành đầu vẫn là Quản trị nhà hàng – khách sạn và ngành Quản trị lữ hành. Năm vừa qua thì trường Văn Lang có ký thỏa thuận công nhận chương trình đào tạo tương đương với bằng cử nhân về Du lịch của Pháp. Khi sinh viên theo học các chuyên ngành của trường thì khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng do trường Văn Lang cấp đồng thời cũng nhận được bằng cử nhân của Pháp.

ATKS: Với cương vị là trưởng khoa đồng thời cũng là giảng viên các bộ môn như Phương pháp luận và nghiên cứu khoa học, Kinh tế du lịch. Cô có thể nói khái quát về các môn học này để các bạn sinh viên được rõ?

TS: Phương pháp luận và nghiên cứu khoa học là một bộ môn mà hầu hết trong chương trình đào tạo cử nhân của các trường đại học đều có. Bộ môn này chính là cơ sở để giúp các em sinh viên biết cách suy nghĩ, lý luận, sắp xếp, tổ chức và giải quyết công việc một cách khoa học nhất.

Đối với bộ môn Kinh tế du lịch thì nó cung cấp cho chúng ta các khái niệm về Du lịch. Đồng thời giúp sinh viên có cơ sở nhìn nhận được Du lịch là một ngành công nghiệp.

ATKS: Cô có thể chia sẽ những khó khăn gặp phải trong công tác đào tạo cũng như giảng dạy?

TS: Điều khó khăn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc đào tạo Du lịch đó là vấn đề về chuyên môn. Ở Việt Nam hiện nay các nguồn tài liệu về Du lịch phải nói là rất ít. Hầu như các tài liệu mà tôi tìm kiếm, sưu tầm và tham khảo cũng như đưa vào giảng dạy cho sinh viên thì đều từ nước ngoài cả. Một điều cũng gọi là may mắn là khoa Du lịch của trường nhận được sự tài trợ Pháp ngữ nên cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu đào tạo của khoa. Tuy nhiên các nguồn tài liệu bằng tiếng Việt quá ít gây khó khăn cho sinh viên trong vấn đề tìm hiểu và tham khảo.

ATKS: Cô có nhận xét, đánh giá gì đối với sinh viên đang theo học ngành Du lịch nói chung và chuyên ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn nói riêng của trường?

TS: Đặc điểm của sinh viên ngành Du lịch có thể nói là rất riêng và khác với các ngành nghề đào tạo khác. Sinh viên ngành Du lịch dường như năng động hơn, chịu khó hoạt động hơn và cũng rất tích cực tham gia vào bài giảng của các thầy cô trên lớp. Và một đặc điểm nữa đó là sinh viên ngành Du lịch đi làm thêm nhiều hơn so với các khối ngành khác. Chính điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến công việc học tập của các em. Riêng về chuyên ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn của trường thì chiếm số lượng có phần nhiều hơn so với ngành Quản trị lữ hành. Vì thế cũng gây khó khăn cho việc sắp xếp việc kiến tập, thực tập cho các bạn sinh viên.

ATKS: Với vai trò là trưởng khoa xin cô cho biết khuynh hướng phát triển của khoa trong thời gian tới?

TS: Trong thời gian tới, khoa Du lịch của trường đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường với phương châm đào tạo nhân lực ra là đi làm được. Và bên cạnh đó phải có chiến lược nâng tầm mình lên sao cho ngang bằng với các nước trong khu vực. Bởi vì theo tôi được biết thì năm sau là năm sẽ mở rộng thị trường lao động. Sinh viên không chỉ làm việc tại Việt Nam mà còn có cơ hội làm việc ở nước ngoài sau khi ra trường. Vì thế trong tương lai trường sẽ hợp tác với nhiều trường quốc tế hơn để trao đổi kinh nghiệm và hướng đến sự phát triển tốt cho Du lịch.

ATKS: Trước tình trạng nguồn nhân lực chưa thực sự đảm bảo về lượng lẫn về chất như hiện nay để cung ứng cho ngành Du lịch _ khách sạn, cô có suy nghĩ gì trước thực trạng này?

TS: Tôi đã có dịp tham dự nhiều buổi hội nghị, hội thảo và những nguyên nhân khiến cho tình trạng nguồn nhân lực “ yếu về lượng lẫn về chất” có thể nói là cũng khá nhiều. Tuy nhiên có những vấn đề chính sau đây. Thứ nhất, đó là do thiếu chương trình đào tạo thống nhất. Thứ hai, việc liên thông từ bậc trung cấp lên cao đẳng và đại học chưa thật sự tốt. Kế đến là do chuẩn đào tạo vẫn chưa thể hiện tính thống nhất. Làm thế nào để khắc phục được những vấn đề trên thì lúc đó chất lượng nguồn nhân lực sẽ được khởi sắc hơn.

ATKS: Mong cô chia sẽ thêm quan niệm của cô về cuộc sống và công việc như thế nào?

TS: “ Sống và làm việc hết mình, hết sức” đó chính là quan niệm của tôi. Cuộc sống không trải đầy hoa hồng như chúng ta tưởng mà nó là muôn vàn những khó khăn, thử thách. Chính vì thế ta phải biết tìm cách giải quyết tốt nhất dù có khó khăn đến đâu. Bên cạnh đó, ta phải biết dung hòa, thích nghi với mọi tình huống với các môi trường khác nhau. Chỉ có thế mới có thể tồn tại, phát triển và thành công được.

ATKS: Với cương vị là một người Thầy, cô có những lời gì để nhắn nhủ với các bạn sinh viên sẽ và đang theo học ngành Du lịch?

TS: Là một người đi trước và với cương vị là một người thầy, tôi cũng có một số điều nhắn nhủ đến các em. Đó là trước khi chọn ngành nghề thì phải suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định. Những ngành học về quản lý thì bao giờ cũng phải bắt đầu từ những bậc thấp để đi lên. Và hầu hết các ngành đều như thế. Chính tôi cũng từng như vậy, cũng bắt đầu bằng các công việc như đánh máy, thư ký, soạn công văn, trực điện thoại,...đi lên. Chúc các em thành công với ngành mình đã chọn.

ATKS: Xin cảm ơn những chia sẻ của cô và chúc cô nhiều sức khỏe để truyền đạt tâm huyết cho thế hệ trẻ và thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc.